Thật tuyệt vời khi có ai đó yêu quý mình và muốn dành cho mình những món quà đặc biệt, tuy nhiên rất nhiều người lại mang một cảm xúc áy náy, ngại ngùng, cảm thấy bị mắc nợ, bị mang ơn khiến cho việc nhận quà trở nên thật nặng nề.
Chào mừng bạn đến với bài viết này, hãy cùng nhau khám phá những nguyên nhân gốc rễ đã tạo nên đám mây tâm lý này nhé.
ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI CÓ TÂM LÝ “GIFT GUILT” – “MÓN QUÀ TỘI LỖI”
Hãy cùng kiểm tra xem bạn có những hành vi, cảm xúc, hoặc cách phản ứng giống như những ví dụ sau đây không nhé:
-
Khó chịu, bối rối, và áy náy: khi bất ngờ nhận được một món quà
-
Tội lỗi và tự ti: Cảm thấy mình không có lý do gì để nhận quà từ người khác
-
Thích cho đi: Luôn là người cho đi và cho rất nhiều trong một mối quan hệ thì mới cảm thấy thoải mái
-
Xu hướng đền đáp: Có thể nhận quà, nhận sự giúp đỡ của người khác nhưng ngay lập tức tìm cách trả lại bằng nhiều hình thức khác nhau
-
Ghét bị chú ý: Cảm thấy áp lực khi trở thành tâm điểm trong bất kỳ tình huống nhận quà nào. Ví dụ dễ thấy nhất là bạn trai tặng quà cho bạn gái trước đám đông
-
Lo lắng: Về cách mà người khác đánh giá về bản thân mình khi nhận quà, lo lắng họ sẽ đánh giá mình không khéo léo, không biết từ chối khéo, không biết điều hoặc lo lắng những người khác đánh giá mình tham lam
Điểm chung của những người có xu hướng “Gift Guilt” chính là họ có thể biết ơn, trân trọng người tặng quà nhưng tận sâu bên trong họ chưa bao giờ thật sự tận hưởng niềm hạnh phúc khi được yêu quý.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA VẤN ĐỀ “GIFT GUILT”
Trong thế giới phức tạp của tâm lý con người, vấn đề “Gift Guilt” không chỉ là một hiện tượng ngẫu nhiên mà là kết quả của những nguyên nhân gốc rễ sâu sắc từ thời thơ ấu.
Hầu hết những lập trình phản ứng về hành vi hay phản ứng về cảm xúc đều đến từ giai đoạn tuổi thơ, khi tiềm thức của một người đã được cài đặt thông qua sự bắt chước tư duy của những người xung quanh, hoặc thông qua sự phản ứng, hồi đáp với những trải nghiệm bên ngoài.
1. Mô thức trao đổi có điều kiện
Hầu hết trong các gia đình và hệ thống giáo dục hiện nay đều vô tình khiến cho những đứa trẻ được cài đặt mô thức trao đổi có điều kiện trong tâm trí.
Chúng ta lớn lên trong một thế giới đầy kỳ vọng, khi mà thành tích, sự ưu tú trở thành thang đo tiêu chuẩn cho mỗi đứa trẻ, và cả người lớn.
Đi học, nếu bạn có thành tích học tập tốt hơn thì bạn sẽ được thầy cô yêu quý hơn, song song đó cũng có những phần thưởng đặc biệt.
Ở nhà, nếu bạn là đứa trẻ ngoan, vâng lời và khiến bố mẹ tự hào, bố mẹ sẽ chiều chuộng bạn hơn, sẽ thưởng cho bạn những món quà mà bạn muốn.
Những hành vi này tưởng như không có gì sai trái, nhưng thiếu đi sự tinh tế và khéo léo khiến tâm hồn trẻ thơ vào thời điểm chưa đủ nhận thức đã được cài đặt một tư duy về sự trao đổi
“Chỉ khi mình ngoan, mình giỏi, mình tốt thì mình mới xứng đáng có được những phần thưởng”
Tiềm thức mang theo mô thức này trưởng thành theo thời gian, lâu dài và quen thuộc đến mức chúng không còn nhận ra mình đã được lập trình thói quen này trong tâm trí.
Cho đến khi chúng nhận một món quà, được mời một bữa ăn, ngay lập tức tiềm thức “cảnh báo” cho cơ thể vật lý rằng: Có điều gì đó kỳ lạ xảy ra, chú ý chú ý. Tại sao mình lại có quà khi mình chưa làm được gì cho họ nhỉ?
Tiềm thức không phân biệt đúng sai, tiềm thức chỉ tiếp nhận “Quen thuộc” hoặc “Không quen thuộc” và điều “Không quen thuộc” sẽ khiến cho tiềm thức đưa ra báo động.
Báo động này được biểu hiện bằng những cảm xúc khó chịu khi nhận quà.
2. Mô thức mắc nợ
Những đứa trẻ ngoan và gia giáo thường được dạy rằng: Con cần phải đền đáp, trả ơn khi nhận được quà tặng/sự giúp đỡ từ người khác.
Mặc dù đây là một cách giáo dục vô cùng tích cực, giúp cho đứa trẻ phát triển về lòng biết ơn và trách nhiệm, nhưng một số phụ huynh/người bảo hộ lại có thái độ vô cùng nghiêm khắc khi giáo dục về vấn đề này.
Theo đúng quy trình, một người khi nhận quà tặng thì cần cảm thấy vui vẻ và biết ơn, sau đó trân trọng tình cảm của người cho và ghi nhớ về sự kiện này, rồi cuối cùng mới cân nhắc đến việc làm thế nào để hồi đáp
Nhưng thông thường, rất nhiều đứa trẻ lại nhận được phản ứng như sau:
- Con không được nhận quà lung tung
- Trời ơi, sao ai cho gì cũng lấy, rồi mẹ phải mua lại đồ chơi cho con người ta
- Người ta lì xì cho con 100k, mẹ cũng phải lì xì cho nhà đó 100k chứ lời lãi gì đâu.
… Đi thẳng đến đền đáp mà quên mất sự vui vẻ, trân trọng và biết ơn.
Và những đứa trẻ này cũng lớn dần theo năm tháng với một tiềm thức đã được lập trình theo tư duy này, dù bây giờ đã là người trưởng thành chúng vẫn cảm thấy một gánh nặng vô hình về việc nhận quà.
3. Mô thức so sánh và cạnh tranh
Mô thức so sánh và cạnh tranh không chỉ gây ra vấn đề tâm lý “Gift Guilt” mà còn rất nhiều vấn đề tâm lý khác mà tạm thời mình sẽ chưa đề cập đến trong bài viết này,
Mô thức so sánh và cạnh tranh thường xuất phát từ những gia đình có năng lượng của sự tự ti và sợ thua kém. Mỗi năm Tết đến Xuân về, hay những dịp quan trọng, không cần biết tình hình tài chính của gia đình nằm ở mức độ nào, nếu người khác cho mình một, mình nhất định phải cho ngược lại nhiều hơn vì sợ xấu hổ.
Mô thức này cực kỳ tinh vi và nó được biểu hiện dưới dạng “Mình là người tốt, là người thích cho đi”
Nhưng sự tinh vi nằm sâu bên trong tâm trí của họ là sợ thua kém, sợ người khác nghĩ mình yếu thế hơn.
Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có mô thức này, khi bước vào một mối quan hệ bạn bè hay yêu đương thường không cảm thấy thoải mái nếu bỗng dưng bị “hớt tay trên” ở vai trò là người cho đi.
Mình phải cho đi, và cho đi nhiều hơn. Nếu mình không cho đi, đơn thuần nhận hoặc cho đi ít hơn, chứng tỏ mình yếu hơn.
Kết luận:
Trong cuộc sống, mỗi món quà đều là một biểu tượng của tình cảm và sự chia sẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đón nhận món quà một cách dễ dàng.
Cuộc sống là một hành trình, và mỗi món quà là một phần quan trọng của chuyến đi này. Đừng để “Gift Guilt” làm mờ đi niềm hạnh phúc và ý nghĩa của những khoảnh khắc đặc biệt, thay vào đó hãy học cách bày tỏ niềm vui và sự trân trọng đến người tặng quà.
Nếu bạn cảm thấy áy náy hay khó chịu khi nhận quà, hãy nhớ rằng bạn xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống này, và hãy tin rằng người tặng thật sự cảm thấy bạn xứng đáng với món quà này.
Nếu sau tất cả nỗ lực chữa lành nhưng vấn đề “Gift Guilt” vẫn chưa biến mất và ảnh hưởng sâu sắc đến các mối quan hệ của mình, bạn có thể liên hệ tư vấn 1-1 cùng Min nhé!
GoccuaMin.com