Trên hành trình chữa lành, có lẽ tự ti luôn là một trong những trạng thái mà chúng ta muốn vượt qua nhất, bởi vì một người tự ti thì không biết cách yêu thương bản thân, mà không biết cách yêu thương bản thân thì cũng không biết cách yêu thương người khác.
Người mang cảm xúc tự ti đã vô tình dựng lên một rào cản vô hình khiến bản thân lúc nào cũng cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương, không được chấp nhận và không thuộc về thế giới này.
Người mang cảm xúc tự ti luôn rất khó chấp nhận trọn vẹn bản chất con người thật sự của mình, cũng khó chấp nhận trọn vẹn bản chất của người khác. Và đôi khi để che giấu đi sự tự ti này, rất nhiều người cũng chọn cho mình một hình thái khác – Mạnh mẽ, luôn tỏ ra mình ổn, luôn tìm cách chứng minh mình tự tin, tài năng và tỏa sáng.
Nhưng chỉ có bạn biết, mình liệu có thật sự ổn hay không mà thôi.
Mình luôn là một đứa trẻ tự ti mang cho mình hình thái của một viên ngọc sáng. Mình lớn lên trong sự đánh giá, so sánh và chê bai của người lớn.
Từ khi học mẫu giáo đã được so sánh vì sao mình không thể ngoan ngoãn và vâng lời như những đứa trẻ khác.
Từ bé cũng đã luôn được chê về ngoại hình không được xinh xắn, phải nói trong họ hàng mình là đứa trẻ ít được ôm và cưng nựng từ người lớn nhất.
Đến cả tiền lì xì cũng nhận ít hơn.
Lớn lên một chút thì được so sánh về học lực.
Và mình biết, không chỉ có một mình mình phải trải qua những điều này trong quá trình trưởng thành.
Dáng vẻ trưởng thành của mình cũng thật tốt.
Xinh đẹp hơn rất nhiều, học lực cũng rất tốt, công việc và mức thu nhập hiện tại cũng rất ổn nhưng chỉ có chính mình mới biết mình không thật sự vui vẻ
1. Mình không chấp nhận được sự thất bại
Hay nói cách khác, là mình không chấp nhận được một bản thân đã thất bại. Mỗi khi thất bại, dù đứng trước gương và nói rất nhiều lần với chính mình rằng:
- Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi
- Hãy xem đây là một bài học, lần tới mình sẽ làm tốt hơn
- Cố lên
- …
Những khi ngồi thiền và quan sát cảm xúc của mình, mình đâu có thật sự vui vẻ với những lời động viên đó.
Mỗi một lần không đạt được điều mình muốn là một cú đánh mạnh vào lòng tự tin yếu ớt khiến bản thân cảm thấy mình không xứng đáng với thành công và những điều tốt đẹp. Mình chạy đi như một con thiêu thân lao vào lập kế hoạch để cải thiện bản thân càng nhanh càng tốt, hoặc chạy đi tìm kiếm một mục tiêu mới để mình có thể chinh phục.
Yes, hầu như mọi người đều chạy đi tìm mục tiêu mới hoặc cố thực hiện lại lần nữa cho đến khi thành công thì thôi.
Đó chính là biểu hiện của sự chối bỏ phiên bản thất bại của bản thân.
2. Mình không chấp nhận được ngoại hình của bản thân
Mình rất dễ nhìn.
Mình gặp rất nhiều người khen mình xinh, và tự đánh giá bản thân mình có thể đảm bảo, ít nhất mình không xấu xí. Vậy mà, mình đã có một khoảng thời gian rất dài mỗi ngày cứ suy nghĩ về việc đi phẫu thuật thẩm mỹ để có thể xinh đẹp hơn nữa.
Dưới lớp bề ngoài hoàn hảo là một khoảng không trông rỗng u ám vô tận, ở khoảng không vô tận ấy mình luôn tự đem một khuyết điểm của bản thân để so sánh với ưu điểm của người khác.
Mình luôn có một kế hoạch tập luyện hàng tuần và chế độ ăn uống rất lành mạnh. Điều này không có gì không tốt cả. Chỉ là có một ngày mình đã bật khóc tại phòng tập gym vì mình đã đi tập kể cả hôm đó là ngày dâu.
Tất cả những yêu thương mình dành cho bản thân thông qua việc chăm sóc nó, rèn luyện nó, làm cho nó tốt hơn đấy thật ra chỉ là bề nổi của việc mình không chấp nhận được mình.
Mình không chấp nhận được vòng eo 63cm mà không phải 60cm như những cô người mẫu. Mình không chấp nhận được làn da đã trắng mịn nhưng còn chưa được căng bóng như những cô gái Hàn quốc. Mình không chấp nhận được một gương mặt với những đường nét cân đối nhưng khuôn miệng móm nhẹ này.
Vậy thế nào mới tốt?
Mình đã luôn chọn cách thực hiện mục tiêu mới, lập kế hoạch, tìm đủ mọi cách để bản thân tốt lên và mình thừa nhận nó luôn hiệu quả, và mình hoàn toàn ủng hộ việc các bạn tìm cách đứng dậy sau thất bại.
Mình đã từng có thành tích học tập rất tệ, cho đến sau đó mình tự áp lực bản thân trở thành cử nhân tốt nghiệp trong Top 4 toàn ngành.
Mình đã từng nhận rất nhiều lời từ chối công việc cho đến khi được làm việc ở tập đoàn hàng đầu Việt Nam.
Mình muốn khẳng định với các bạn, việc lập kế hoạch cho mục tiêu, cải thiện bản thân để đến gần mục tiêu mà bạn mong muốn không có gì bất lợi cả.
Điều mình muốn nói ở đây, là bên cạnh phiên bản “thành công” mỗi khi bạn chiến thắng thì phiên bản “thất bại” cũng muốn có được cái ôm, có được sự chú ý và thậm chí là được ăn mừng như khi bạn chào đón “phiên bản thành công” vậy. Khi bạn ngồi lại với chính mình đủ lâu, dành cho mình tình yêu thương và bao dung nhất khi gặp thất bại, đó là lúc sự tự tin của bạn được hình thành.
Điều này cũng tương tự với ngoại hình.
Việc bạn chăm sóc bản thân, luyện tập thể dục thể thao, tìm đủ mọi cách khiến bản thân xinh đẹp hơn, trở thành phiên bản rực rỡ nhất trong kiếp sống này, thật sự rất tuyệt vời.
Nhưng để trở thành một người tự tin, bạn cần học cách hòa giải với chính mình, yêu thương cả phiên bản “hôm nay lỡ ăn nhiều một chút”, phiên bản “mình còn nhiều mỡ bụng nè”, phiên bản “mình có nếp nhăn nơi khóe mắt rồi”…
Mình sẽ cảm thấy tự tin hơn bằng phương pháp này thật sao?
Bạn không chỉ tự tin hơn mà còn bao dung và đầy tình yêu thương hơn.
Bạn sẽ không còn cố gắng chứng minh, thể hiện, khoe khoang mọi điểm tốt đẹp của bản thân ra cho người khác biết.
Bạn biết ngưỡng mộ và thừa nhận thành công của người khác, và bạn càng biết chấp nhận những khuyết điểm của họ một cách nhẹ nhàng.
Khi chấp nhận và yêu thương khuyết điểm của bản thân, bạn sẽ chạm được cảm giác trọn vẹn và hòa hợp với chính mình. Bạn có thể tự hào mỉm cười khi nhắc đến khuyết điểm đó.
Những câu nói “Dạo này mập thế”, “Sao lớn rồi còn chưa mua được nhà”, “Thành tích tháng này tệ quá” … sẽ không còn khiến bạn cảm thấy xấu hổ nữa. Thay vào đó là một cảm giác
Thật tốt khi mình mập nhỉ
Thật tốt khi mình còn chưa mua được nhà
Thật tốt vì thành tích tháng này của mình còn kém.
Mình là mình, thật tốt.
Tâm tình bình tâm,
Góc của Min